Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9 cho ý kiến về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nói thực tế, tình trạng sở hữu chéo tại ngân hàng (hiện tượng ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác) hiện nay còn nan giải.
"Nội dung này tác động gì đến chính sách trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và đặc biệt có ảnh hưởng gì đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không", ông Tới hỏi và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hướng giải quyết.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu sáng 18/9. Ảnh: Media Quốc hội |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận "sở hữu chéo, sân trước, sân sau" là những hạn chế, được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và yêu cầu sớm xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh.
"Qua thảo luận, Ngân hàng Nhà nước thấy nếu chờ có một quy định xử lý triệt để vấn đề này sẽ không bao giờ có", bà Hồng nói. Thay vào đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng quy định phải hướng đến, không chỉ ở Luật Các tổ chức tín dụng, mà trong văn bản quy phạm pháp luật khác, lĩnh vực khác, đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Trên hồ sơ, cá nhân, tổ chức nắm giữ tỷ lệ cổ phần thế nào đều được hệ thống ngân hàng nắm bắt thông qua việc cho vay. Nhưng trên thực tế, họ có thể thống kê hộ về sở hữu cổ phần, hoặc thành lập doanh nghiệp để vay vốn. "Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng cũng coi đây là nội dung trọng tâm để điều chỉnh", bà Hồng chia sẻ.
Về đề xuất mở rộng phạm vi; giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng, Thống đốc cho rằng còn nhiều ý kiến băn khoăn. Bởi quy định này liệu có xử lý triệt để vấn đề chống sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau không. Việc kiểm soát tỷ lệ sở hữu của cá nhân và doanh nghiệp cũng khó khăn nếu "họ cố tình để người khác đứng tên thì không xử lý được". Việc này phải có sự tham gia của cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng nếu quy định cứng trong luật này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, gây tăng chi phí. Theo bà Hồng, xây dựng quy định 'siết' sở hữu chéo sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro, nhưng nó sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, sự điều tiết thị trường của nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, khi xây dựng dự thảo, việc phân tích, đánh giá tác động phải dựa trên bức tranh lớn hơn về vai trò điều tiết của nền kinh tế từ khía cạnh tổ chức tín dụng.
"Chi phí thủ tục để kiểm soát rủi ro đương nhiên tổ chức tín dụng phải tăng lên để điều tiết. Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước sẽ trao đổi, chỉnh sửa để có báo cáo với Thường vụ Quốc hội ngày 20/9", bà nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu sáng 18/9. Ảnh: Media Quốc hội |
Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói việc kiểm soát sở hữu chéo đã có kết quả tốt, một số trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Tuy nhiên, khi thể chế hóa những quy định để xử lý dứt điểm hoạt động sở hữu chéo, trong luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là thiết chế dành cho "cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn".
Ông Thanh cho biết một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng có liên quan; giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần hay giảm giới hạn mức tín dụng. "Quy định mở rộng hay thu hẹp hơn đều có tác động đến nền kinh tế, tới thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài và việc tài trợ nguồn vốn của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần Nhà nước đối với dự án trọng điểm quốc gia", ông Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình rằng để xử lý được vấn đề sở hữu chéo, đòi hỏi biện pháp phải đồng bộ kết hợp với nhiều giải pháp về chính sách.
Sơn Hà