Theo dữ liệu của Triple-A, một cổng thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), Việt Nam đang đứng vị trí thứ 7 trên toàn cầu về số lượng người sở hữu tài sản mã hóa.
Tài sản số, bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi), trong những năm gần đây đã không còn là khái niệm xa lạ mà trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo dữ liệu của Triple-A, một cổng thanh toán tiền mã hóa được cấp phép bởi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), Việt Nam đang đứng vị trí thứ 7 trên toàn cầu về số lượng người sở hữu tài sản mã hóa. Với số lượng người sở hữu tiền mã hóa ngày càng tăng, việc hoàn thiện khung pháp lý cho các loại hình tài sản số đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Việt Nam đang đứng vị trí thứ 7 trên toàn cầu về số lượng người sở hữu tài sản mã hóa. Ảnh minh họa: TTXVN
*Nguy cơ bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan. Trong khi đó, việc thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.
Đặc biệt, điều này có thể khiến Việt Nam bỏ qua các cơ hội đầu tư, nhất là khi những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn về loại tài sản này.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật tại RMIT Việt Nam cũng cho rằng, giao dịch tiền điện tử đang ngày dần trở nên phổ biến tại Việt Nam song khuôn khổ pháp lý hiện hành vẫn chưa theo kịp. Ngân hàng Nhà nước cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu và giao dịch. Điều này, khiến tiền mã hóa rơi vào "vùng xám" pháp lý, đặt ra thách thức cho cả việc bảo vệ nhà đầu tư lẫn giám sát quy định hiệu quả.
“Thiếu các quy định rõ ràng khiến nhà đầu tư gặp phải các rủi ro như gian lận, thao túng thị trường hoặc mất tiền trên các nền tảng giao dịch không được giám sát. Tính ẩn danh vốn có của công nghệ blockchain cũng làm gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, việc thiết lập khung pháp lý là điều cần thiết để thúc đẩy tính minh bạch, đảm bảo an toàn và xây dựng niềm tin trên thị trường”, ông Sơn nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Sơn, việc quản lý không chỉ nên tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro mà còn cần thúc đẩy đổi mới. Hướng tiếp cận quản lý cân bằng có thể biến tiền mã hóa thành động lực tăng trưởng, giúp Việt Nam trở thành trung tâm blockchain và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững.
Đáng chú ý, theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khi hành lang pháp lý về tài sản số được hoàn thiện, một phần vốn từ thị trường blockchain (ước tính lên đến hàng trăm tỷ USD) có thể sẽ được chuyển sang khu vực hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Điều này cũng góp phần giảm thiểu những nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo trên không gian mạng đang rất nhức nhối hiện nay.
*Thấy gì từ bài học của các quốc gia tiên phong?
Việc quản lý tài sản số là một lĩnh vực rất mới mẻ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy vậy, cũng đã có một số quốc gia thực thi các chiến lược hiệu quả để quản lý, nhất là liên quan đến tiền mã hóa.
Chẳng hạn, Nhật Bản, một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, đã công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp từ năm 2017. Các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Nhật Bản phải đăng ký và tuân thủ những biện pháp chống rửa tiền và an ninh mạng nghiêm ngặt. Cách làm này không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn thúc đẩy đổi mới blockchain.
Singapore đạt được cân bằng giữa quy định và đổi mới. Luật Dịch vụ thanh toán bắt buộc các doanh nghiệp tiền mã hóa phải có giấy phép hoạt động và thực hiện các biện pháp chống rửa tiền nghiêm ngặt. Ngoài ra, môi trường thử nghiệm cô lập của Singapore cho phép các công ty khởi nghiệp blockchain thử nghiệm giải pháp sáng tạo trong một môi trường được giám sát, vừa đảm bảo an toàn vừa thúc đẩy sáng tạo.
Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu Luật về Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa (MiCA), tạo ra một khung pháp lý thống nhất để bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tính bền vững của thị trường giữa các quốc gia thành viên.
Trong khi đó, Hoa Kỳ sử dụng biện pháp phi tập trung, với việc các cơ quan liên bang và tiểu bang cùng chia sẻ trách nhiệm giám sát. Các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) thực thi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo tính liêm chính của thị trường.
“Những ví dụ trên đã chứng minh quản lý tiền mã hóa không chỉ là kiểm soát rủi ro mà còn đặt nền tảng cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình này để xây dựng khung pháp lý vững chắc riêng. Việt Nam có thể tận dụng kinh nghiệm quốc tế để phát triển khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa. Bước đầu tiên là xác định xem tiền mã hóa như Bitcoin là tài sản hay chứng khoán, giúp làm sáng tỏ việc quản lý giao dịch và bảo vệ nhà đầu tư”, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật tại RMIT Việt Nam đề xuất.
Theo Tiến sĩ Sơn, việc yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền là điều hết sức quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, an ninh tài chính và giảm thiểu các rủi ro như gian lận hoặc tài trợ tài chính bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình thử nghiệm có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ cho doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ. Thực tế, Singapore đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình vừa thúc đẩy đổi mới vừa đảm bảo trách nhiệm giải trình này.
“Quan trọng nhất, Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư với thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một khung pháp lý được thiết kế tốt sẽ mở ra tiềm năng của blockchain trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia. Với các chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường an toàn, minh bạch và đổi mới, mở lối tiến tới trở thành một trung tâm blockchain hàng đầu khu vực”, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn lưu ý.
Từ thực tế phát triển hiện nay, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cũng cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Hưng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
“Xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo – điều cốt lõi của tài sản số. Đồng thời, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam”, Chủ tịch SSI đề xuất.