Hai đảng cầm quyền của Na Uy đang muốn chấm dứt hệ thống đường dây điện kết nối sang Đan Mạch và đề xuất đàm phán lại đường dây điện tới Anh và Đức vì giá điện tăng cao đang gây lo ngại cho quốc gia Bắc Âu giàu có này.
Vì tình trạng thiếu gió ở Đức và Biển Bắc, giá điện ở miền nam Na Uy đã lên tới 13,16 NKr (1,18 USD)/kwh vào chiều thứ Năm (12/12). Đây là mức cao nhất kể từ năm 2009 và cao gấp gần 20 lần so với mức giá của tuần trước.
“Tình hình thực sự tồi tệ”, Bộ trưởng Năng lượng Na Uy, Terje Aasland, cho biết.
Đảng Lao động cầm quyền cho biết trong cuộc bầu cử quốc hội năm tới, dự kiến diễn ra vào tháng 9, họ muốn vận động ngắt đường dây điện kết nối tới Đan Mạch khi thỏa thuận giữa 2 bên kết thúc vào năm 2026.
Đảng Trung tâm, liên minh cầm quyền cùng Đảng Lao động, thì đề xuất chấm dứt đường dây kết nối với Đan Mạch và cũng muốn đàm phán lại các đường điện hiện có với Anh và Đức.
Liên minh 2 đảng cầm quyền cho rằng giá điện cao tại Na Uy hiện tại là do các đường dây điện này. Họ nói rằng Na Uy chỉ nên xuất khẩu điện ra nước ngoài sau khi đảm báo giá điện trong nước ở mức thấp như trong nhiều thập kỷ trước.
Vấn đề này đang gây lo ngại sâu sắc cho các nước EU mong muốn sử dụng nguồn thủy điện dồi dào của Na Uy để cân bằng giá năng lượng trên lục địa.
Na Uy cũng là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất Tây Âu. Nước này đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho nhiều nước EU.
Nhưng giá điện tăng mạnh ở Na Uy trong những mùa đông gần đây đã dẫn đến một cơn bão chính trị, khiến cho vấn đề đường dây điện liên kết có khả năng trở thành một trong những chủ đề chính trong cuộc bầu cử năm tới.
Nước láng giềng Thụy Điển cũng đang chịu cảnh tương tự. Người tiêu dùng ở thành phố Gothenburg phía nam phải trả tiền điện cao gấp 190 lần so vởi thị trấn Luleå phía bắc.
Cả Thụy Điển và Na Uy đều có hệ thống truyền tải điện kém. Giá điện ở phía bắc thường rẻ hơn vì khu vực này sản xuất phần lớn điện. Trong khi đó, ở phía nam tiêu thụ nhiều điện và chịu mức giá đắt đỏ hơn.
Theo FT