Doanh nghiệp hào hứng
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đề xuất một số cơ chế, giải pháp để thực hiện chỉ tiêu phát triển từ 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn.
HoREA dẫn báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, từ năm 2021 đến nay, TPHCM chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để TPHCM thực hiện được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra.
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội từ hơn 1 năm xuống còn không quá 6 tháng và trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê đáp ứng nhu cầu thuê nhà của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động.
Sở Xây dựng cũng đã công bố danh mục 7 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và đã được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm nên có thể phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, Sở Xây dựng công bố 3 “thiết kế mẫu” nhà ở xã hội cao tầng, nếu được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng trong thời gian tới thì sẽ tiết kiệm thời gian, công sức cho các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.
Hiện nay, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ. Trong đó, có 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ quỹ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp với khoảng 40.000 căn hộ và 12 doanh nghiệp đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 12.000 căn hộ.
Cần sự đồng bộ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các sở, ban ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc , khó khăn để triển khai thực hiện ngay dự án mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Châu, vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở, ban ngành, quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội. Chẳng hạn, trường hợp dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được điều chỉnh cục bộ. Dự án đã được động thổ ngày 29/8 nhưng đến nay đã hơn 3 tháng vẫn chưa làm được giấy phép xây dựng, do quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000 của dự án chưa được UBND huyện Bình Chánh phê duyệt. Nguyên nhân chậm trễ là do huyện Bình Chánh phải làm văn bản xin ý kiến Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Hoặc trường hợp dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư, đã được UBND TPHCM chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa được Ban Quản lý Khu Chế xuất Linh Trung và Ban Quản lý khu chế xuất khu công nghiệp TPHCM hỗ trợ hoàn thành thủ tục để có thể sớm khởi công giai đoạn 2.
Để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng, HoREA đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường phối hợp đồng bộ, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và xây dựng quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội đơn giản, rút gọn.
Đồng thời, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép thí điểm thực hiện cơ chế giao Sở Xây dựng thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội tương tự như dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nên bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định số 100
Về tài chính, HoREA hoan nghênh Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ Nghị quyết về triển khai gói ưu đãi tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ để có vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, được giải ngân đến hết năm 2030 để người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi.
Tuy nhiên, một quy định bất cập rất lớn là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại không được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội do vướng khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
“Quy định này đã vô hiệu hóa chính sách ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã được quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định 100/2024/NĐ-CP và sẽ có tác động không tích cực đến việc thực hiện chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Bởi lẽ, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ còn được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định”, ông Châu nói.
Do đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét để có thể bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.