Đứng trước tòa, những nhân vật nổi danh một thời trong lĩnh vực tài chính như cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, cựu Phó Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà, cựu Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh… đã có những lời ăn năn, hối hận khi phải đối diện với những mức án mà Viện kiểm sát đề nghị.
Trong 50 bị cáo hầu tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đánh giá là chủ mưu, cầm đầu và bị đề nghị mức án nặng nhất. Hình phạt đề nghị là từ 5 - 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 19 – 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp từ 24 – 26 năm tù.
Viện kiểm sát cũng đánh giá số bị hại không phải 30.403 người (như cáo trạng ban đầu) nhưng cũng không phải là 133 người theo ý kiến các luật sư đưa ra. Sau khi rà soát, Viện kiểm sát kết luận có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng.
Với 430 triệu cổ phiếu ROS, giá trị 4.300 tỷ đồng được Viện kiểm sát đánh giá chỉ có 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật và 3.102 tỷ đồng là vốn góp khống. "Các nhà đầu tư ban đầu đã bỏ ra một lượng tiền thật vào 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS, bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng" – đại diện Viện kiểm sát xác định.
Trong số những người hầu tòa, có những bị cáo từng giữ những chức vụ quan trọng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) như ông Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng giám đốc HOSE) hay ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE).
Cả hai người này đều phải đứng trước những bản án nghiêm khắc về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể, bị cáo Lê Hải Trà bị đề nghị mức án 6 – 7 năm tù. Còn bị cáo Trần Đắc Sinh bị đề nghị từ 8 – 9 năm tù.
Ở phần lời nói sau cùng, cựu Phó Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết, bản thân là người được đào tạo cơ bản, từng có thời gian tu nghiệp tại Đại học Havard (Mỹ), bị cáo luôn mong muốn phục vụ ngành chứng khoán Việt Nam và không bao giờ nghĩ đến việc có ngày tham gia, giúp đỡ cho hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
“Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ về lãnh đạo và phân tích tài chính tại Đại học Harvard, tôi luôn mong muốn quay trở về phục vụ đất nước, phục vụ thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên thực tế HOSE từ những ngày đầu khó khăn, đã từng bước khẳng định là kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả trong nền kinh tế. Là địa chỉ lựa chọn của hàng trăm doanh nghiệp, đại diện cho nền kinh tế Việt Nam tham gia niêm yết, huy động vốn và tiếp cận các nhà đầu tư”. – bị cáo Lê Hải Trà trần tình.
Cựu Phó Tổng Giám đốc HOSE thừa nhận hành vi, mức độ vi phạm của mình nhưng cũng nhấn mạnh không bao giờ có mục đích lừa đảo, chiếm đoạt của nhà đầu tư. Sai phạm xảy ra vì ông đã “quá tin tưởng” vào những hàng rào, chốt chặn đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.
Về phần mình, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói lời sau cùng: “Bị cáo gửi lời xin lỗi tới tất cả. Xin lỗi đến những người được xác định là bị hại trong vụ án, mong nhận được sự khoan hồng từ các vị”.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cho rằng xuất phát từ hoài bão, ước mơ lớn của bản thân nên đã làm một số việc vượt qua giới hạn pháp luật cho phép, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Ông cũng thừa nhận “không dám xin giảm nhẹ cho bản thân” bởi vì bị cáo mà nhiều người thân, người quen đã vướng vòng lao lý.
"Bị cáo cảm thấy nói lời xin cho riêng mình trong giờ phút này rất khó nói. Bị cáo kính mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình" – Sau đó bị cáo Quyết trở lại ghế ngồi, liên tục cúi đầu và lau nước mắt.
Một cựu lãnh đạo khác của HOSE là ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT) đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và những người đã tin tưởng mình. Ông Sinh cũng bày tỏ xót xa khi đúng đến những ngày cuối cùng, chuẩn bị về hưu thì lại vướng mắc vào sai phạm.
“Tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước đã tin tưởng phân công, nhưng tôi lại không làm tròn nhiệm vụ. Qua đây, tôi cũng xin lỗi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tất cả những nhà đầu tư đã tin tưởng tôi. Nhưng tôi đã phạm sai lầm để cho việc lừa đảo trên thị trường chứng khoán xảy ra, từ đó làm giảm lòng tin của nhà đầu tư” – bị cáo Trần Đắc Sinh nói trước tòa.
Cựu Chủ tịch HĐQT HOSE giãi bày, dù mục tiêu của bản thân luôn muốn xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam, nhưng ông lại không ngờ vào những ngày cuối cùng của sự nghiệp, chuẩn bị nghỉ hưu thì lại bị “con virus lừa đảo" chui qua các cửa và rồi vướng vào vòng lao lý như hiện nay.