Cuộc đua tối ưu chi phí vốn
Trong những năm gần đây, các ngân hàng đã tìm nhiều cách để có thể tối ưu chi phí vốn, tăng biên lãi ròng (NIM) mà không cần phải tăng lãi suất cho vay. Chiến lược phổ biến nhất là thu hút người dùng để tiền trong tài khoản thanh toán, hay còn gọi là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) (lãi suất tối đa 0,2%/năm).
Để tăng tỷ lệ này, các ngân hàng đã phải "hy sinh" một nguồn thu lớn từ phí dịch vụ. Hiện nay, trên thị trường gần như không còn ngân hàng nào thu phí chuyển khoản, thậm chí họ còn có thể miễn phí duy trì tài khoản, đưa ra các chương trình hoàn tiền, tích điểm, tặng quà,…để thu hút khách hàng. Hơn hết, nhiều nhà băng liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking, internet banking với nhiều tính năng và trải nghiệm tốt hơn, tích hợp hàng loạt dịch vụ về thanh toán hóa đơn, đầu tư, mua sắm,…để khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản không kỳ hạn thường xuyên hơn.
Ngân hàng cũng có xu hướng tăng cường liên kết với doanh nghiệp để triển khai dịch vụ trả lương, quản lý dòng tiền, hợp tác với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng, siêu thị nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử. Việc tích hợp tài khoản thanh toán với đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, thẻ tín dụng cũng giúp duy trì dòng tiền trong hệ thống. CASA cũng trở thành một trong những chỉ tiêu quan trọng của mỗi nhân viên ngân hàng.
Quy mô tiền gửi thanh toán cũng vì vậy mà tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua, và đồng thời thị phần cũng bị chia lại đáng kể. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối quý 3/2024, số lượng tài khoản thanh toán khách hàng cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã đạt 197,97 triệu tài khoản, tăng hơn 15 triệu so với cuối năm 2023. Số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân đạt mức kỷ lục 1,19 triệu tỷ đồng. Trong vòng 5 năm qua, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng 2,7 lần, trong khi số tài khoản thanh toán cũng tăng 2,3 lần.
Tuy nhiên, tăng trưởng CASA trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng khi cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, không còn quá nhiều sự khác biệt cũng như chênh lệch trải nghiệm giữa các ứng dụng mobile banking. Thêm vào đó, tăng trưởng CASA cũng gặp thách thức khi tâm lý nhiều người Việt vẫn chọn gửi tiết kiệm để tối ưu lợi ích. Đặc biệt trong những giai đoạn lãi suất huy động tăng mạnh, CASA rất dễ bị biến động. Thực tế có thể thấy ở giai đoạn 2022 khi lãi suất tiền gửi trên thị trường tăng nóng, hàng loạt ngân hàng cũng đã đối mặt với khó khăn khi tiền gửi thanh toán sụt giảm mạnh khiến chi phí vốn bị đội lên nhanh chóng.
Xu hướng mới hút tiền nhàn rỗi
Bởi vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng mới trong cuộc đua tối ưu chi phí vốn, mục tiêu là những khách hàng đang tạm thời có tiền nhàn rỗi. Thay vì chỉ đơn thuần gửi tiết kiệm hoặc để tiền nằm trong tài khoản thanh toán với lãi suất thấp, khách hàng nay có thêm lựa chọn để dòng tiền nhàn rỗi vẫn sinh lời mà vẫn đảm bảo thanh khoản. Cụ thể, các sản phẩm này cho phép số dư tài khoản tự động hưởng lãi suất cao hơn theo từng mức số dư hoặc thời gian duy trì, nhưng vẫn có thể rút hoặc sử dụng ngay khi cần mà không bị mất lãi như tiền gửi có kỳ hạn. Ngân hàng cũng áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt theo thời gian giữ tiền, giúp khách hàng càng duy trì số dư lâu thì lợi suất càng cao. Ngoài ra, thông thường ngân hàng sẽ đặt ra ngưỡng số dư tối thiểu, với phần vượt ngưỡng được tự động chuyển sang tài khoản sinh lời mà vẫn sẵn sàng cho các giao dịch.
Về bản chất, tiền gửi dưới dạng nói trên không hẳn là tiền gửi không kỳ hạn, nhưng cũng là một nguồn vốn có chi phí vốn thấp, đánh đúng tâm lý của khách hàng và đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng trong bối cảnh thu hút CASA gặp nhiều khó khăn. Đến hiện tại, hàng loạt ngân hàng như Techcombank, VIB, MSB, LPBank,…và một số ví điện tử như Momo, ZaloPay,…đã có sản phẩm này.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng triển khai đầu tiên, từ tháng 1/2024 với tên gọi "Sinh lời tự động – Auto earning". Đến cuối năm 2024, Techcombank cho biết đã ghi nhận hơn 2,2 triệu khách hàng đăng ký tính năng này, trung bình 11 nghìn khách hàng đăng ký mỗi ngày. Số dư khách hàng đăng ký "sinh lời tự động" đạt hơn 67.400 tỷ đồng, đóng góp 33% vào tăng trưởng CASA và Auto-earning của khối khách hàng cá nhân.
Auto-earning góp phần quan trọng giúp TCB duy trì chi phí vốn thấp dù lãi suất chịu áp lực tăng
Tính cả số dư của sản phẩm này thì tỷ lệ CASA của Techcombank đạt khoảng 41%, cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Nếu như quý 4/2023, chi phí vốn của Techcombank là 4,2% thì tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống 3,4% (quý 4/2024). Sự tăng trưởng của CASA đã giúp Techcombank duy trì vị thế ngân hàng có chi phí vốn thấp, bất chấp lãi suất tiền gửi có kỳ hạn có xu hướng nhích tăng trong năm vừa qua.
Thành công của "Auto-earning" đến từ nhiều yếu tố. Ngoài việc bản thân sản phẩm mới lạ, đánh đúng tâm lý của nhiều người Việt, thì Techcombank cũng đã mạnh tay thực hiện các chiến dịch quảng bá sản phẩm, trong đó bao gồm cả việc tung nhiều ưu đãi, tận dụng sức ảnh hưởng của KOLs kết hợp tài trợ cho các chương trình giải trí như "Anh trai vượt ngàn chông gai" để tăng độ nhận diện và thu hút khách hàng.
Đầu năm nay, tháng 2/2025, một nhà băng bán lẻ top thị trường cũng rầm rộ triển khai tài khoản "Siêu lợi suất". Theo đó, khách hàng kích hoạt tính năng này trên ứng dụng MyVIB, lựa chọn ngưỡng số dư tiêu chuẩn (10 triệu đồng hoặc 100 triệu đồng). Số tiền vượt ngưỡng sẽ tự động chuyển vào tài khoản "Siêu lợi suất" và hưởng lãi suất lên đến 4,3%/năm. Mức lợi suất tăng dần theo số ngày khách hàng duy trì số dư trong tài khoản. Nếu khách hàng giữ tiền trong tài khoản từ 1 đến 7 ngày, lãi suất áp dụng là 2,50%/năm. Khi số ngày giữ tiền tăng lên từ 8 đến 14 ngày, lãi suất được nâng lên 2,80%/năm.
Hiện tại, CASA của VIB vẫn còn khá khiêm tốn, ở mức 13,9% (cuối năm 2024), đứng thứ 13 trong hệ thống. Như vậy, việc thu hút tiền rẻ đối với VIB sẽ là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới. Trước mắt, "Siêu lợi suất" của VIB cũng đạt được một số kết quả ấn tượng. Ngày đầu ra mắt, gần 10.000 khách hàng đã kich hoạt bật tính năng này.
Trước đó, tháng 10/2024, MSB cũng gia nhập cuộc đua thu hút tiền nhàn rỗi với tên gọi "Sinh lời không ngừng". Dù MSB vẫn là một trong những nhà băng có tỷ lệ CASA thuộc Top đầu hệ thống, nhưng tỷ lệ này đã có xu hướng suy giảm trong vài năm gần đây do cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
LPBank thì gọi sản phẩm này với cái tên khác là "Sinh lời Lộc phát", với tính năng tương tự. Và không chỉ ngân hàng mà ví điện tử cũng muốn tranh thủ dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường, như MOMO với sản phẩm "Túi Thần Tài Plus", lưu ký với Vietcombank; hay ZaloPay có tính năng "Số dư sinh lời".
Hiện tại, tính năng của các sản phẩm trên không có nhiều khác biệt ở các ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi nhà băng sẽ có cách triển khai khác nhau, chẳng hạn như cách marketing, quy định số dư tiêu chuẩn, nhóm khách hàng mục tiêu,…Không ngoài khả năng, xu hướng này sẽ còn lan rộng hơn nữa trong thời gian tới. Khi đó, các sản phẩm sinh lời linh hoạt không chỉ giúp các ngân hàng tối ưu chi phí vốn mà còn góp phần thay đổi tư duy tài chính cá nhân của người Việt, ngày càng chủ động hơn trong việc tối đa hóa lợi ích từ dòng tiền của mình.