Không nên tích trữ quá nhiều
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không đứt gãy nguồn cung trong bất cứ tình huống nào.
Theo Công điện, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hoá
Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã kịp thời đến một số kênh phân phối lớn để kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.
Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai.
Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương).
"Hiện nay, hàng hóa được doanh nghiệp các địa phương chuẩn bị đảm bảo phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão, do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng đi mua, tích trữ quá nhiều hàng hóa so với nhu cầu trong vài ngày sắp tới", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngăn chặn đầu cơ trục lợi
Theo Bộ Công Thương, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu.
Nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
Báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 05/9/2024 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Như với Wincommerce, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám Đốc Chuỗi WinMart cho biết trong ngày 6/9 và buổi sáng 7/9 , các siêu thị WinMart cùng cửa hàng WinMart+/WiN tại khu vực phía Bắc đã ghi nhận sức mua tăng mạnh, với lượng khách hàng tại các điểm bán tăng hơn gấp đôi. Cùng với đó là số lượng đơn hàng online tăng gần gấp ba so với ngày thường. Khách hàng chủ yếu tập trung mua các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, gạo, mì ăn liền, …và các nhu yếu phẩm khác.
Ông Dũng cho biết, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao, hệ thống đã chủ động dự trữ nguồn hàng thiết yếu, đồng thời làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để duy trì nguồn cung ổn định và cam kết bình ổn giá, không tăng giá trong thời gian diễn ra bão.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua sắm trong điều kiện thời tiết bất lợi, các siêu thị WinMart đã tăng cường nhân sự hỗ trợ giao hàng qua các kênh mua sắm trực tuyến như Zalo, Facebook…
Tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.
Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...
Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.