Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI. Theo đó, có 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích.
3 lĩnh vực báo lỗ triền miên
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp FDI đạt gần 9,42 triệu tỷ đồng, giảm 426.920 tỷ đồng, tương đương 4,3% so với năm 2022.
Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, trong số 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính, có 16.292 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, tăng 21,2%; số doanh nghiệp bị lỗ lũy kế là 18.140 doanh nghiệp, tăng 15%.
Số doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 doanh nghiệp, tăng 15,2%; số lỗ năm 2023 là 217.464, tăng 32%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong lợi nhuận trước thuế của khối FDI, chiếm 81,3% (334.744 tỷ đồng); bỏ xa các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,2% (21.452 tỷ đồng), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 2,9% (12.090 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 2,2% (9.029 tỷ đồng), sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 2,1% (8.756 tỷ đồng)...
Riêng lĩnh vực khai khoáng, thua lỗ kéo dài dẫn đến năm 2023 vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, tuy nhiên đã có cải thiện đáng kể khi ghi nhận mức tăng 48 tỷ đồng, tương đương tăng 51,9% so với năm 2022.
Siết chặt quản lý doanh nghiệp FDI báo lỗ
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính vừa đề nghị đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cho rằng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng phần lớn tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa. Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, dây chuyền công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tăng cường hoạt động rà soát, công tác kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất cần có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp FDI đang hoạt động đầu tư tại địa phương.
Trao đổi nhanh xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế ngân hàng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng cần thực hiện hiệu quả công tác "chống chuyển giá". Với việc các doanh nghiệp FDI thực hiện các thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế đã gây thất thu một khoản lớn ngân sách đối với nước ta. Bên cạnh đó, chuyển giá làm suy kém hiệu quả đầu tư của các dự án FDI, gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
"Trong nhiều năm qua, chúng ta đã bàn đến câu chuyện các doanh nghiệp FDI sử dụng công cụ chuyển giá. Xảy ra nhiều tình trạng doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài chuyển hàng sang công ty con tại Việt Nam và các doanh nghiệp này tăng "khống" giá hàng hóa lên cao để nhằm giảm lợi nhuận, qua đó giảm mức đóng thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc chống chuyển giá gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả cao", ông Hiếu chia sẻ.
Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các bộ ngành liên quan. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Hơn thế nữa, Việt Nam cần có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu giá trị hàng hóa từ các thị trường giao dịch hàng hóa lớn của quốc tế để làm nền tảng đưa ra kết luận vi phạm hay không và xử phạt hành chính các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam./.