Theo Điều 4, Luật Trẻ em Việt Nam ban hành năm 2016 đã nhấn mạnh “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh…”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu chuyện, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc mất an toàn của trẻ em tại các khu chung cư khiến dư luận không khỏi xôn xao, lo lắng. Không những vậy, trẻ em sinh sống tại không ít chung cư đang thiếu đi không gian giải trí khi khu vui chơi bị lấn chiếm.
Bàn luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thứ nhất là về mức độ an toàn, thực trạng vẫn thiếu những quy định, hướng dẫn chi tiết để đưa trẻ em thành một đối tượng cần được quan tâm. Thứ hai là vấn đề nghiệm thu, kiểm tra từ các đồ án thiết kế quy hoạch đến các công trình đã đưa vào sử dụng cũng chưa có yếu tố riêng biệt dành cho đối tượng trẻ em.
Đặc biệt, liên quan đến ý thức của các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án. Bởi trong quá trình làm dự án chung cư, rất nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển đã ưu tiên lợi nhuận kinh doanh, đặt lợi ích lên hàng đầu mà quên mất những điều kiện để tạo ra chất lượng cho toàn dân, trong đó có trẻ em.
"Thậm chí, có một số chủ đầu tư bất chấp, tìm mọi cách để cắt xén, lấn chiếm những khu vực mà đáng ra để tạo nên tiện ích phục vụ cho cộng đồng thì lại chuyển sang mục đích cá nhân", TS. Đính nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cho rằng, ngay trong tư duy ban đầu của các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án phải được trang bị, đào tạo kiến thức liên quan đến trẻ thơ. Có như vậy, khi thiết kế và làm dự án, trẻ em sinh sống trong các tòa nhà chung cư cũng mới được đảm bảo về sự an toàn, về cuộc sống hạnh phúc.
Ông Đính lấy dẫn chứng, nhưng khu có tính chất như nhà ở xã hội, phục vụ cho người lao động tại Thái Lan hay Malaysia, có khoảng 8.000 căn hộ nhưng hạ tầng tiện ích vẫn rất đồng bộ từ vui chơi giải trí, thể thao... Chủ đầu tư thì thiết kế thể hiện rõ sự quan tâm tới các đối tượng như người tàn tật, trẻ em. Chứng tỏ, ngay từ những ý thức, tư duy ban đầu thì họ đã có sự quan tâm đến đối tượng yếu thế.
"Còn ở chúng ta thì vẫn đang là vấn đề thiếu sót cần phải xem xét. Ngay kể cả trong thiết kế căn hộ vẫn rất ít tư duy dành cho trẻ em. Như vậy, vấn đề cần đặt ra là làm sao nhận diện được những tiêu chí trong tòa nhà, khu dân cư có thể đảm bảo cho an toàn trẻ em cũng như hệ thống không gian giao thông, thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy...để trẻ em dễ dàng sử dụng khi xảy ra sự cố", ông Đính đánh giá.
Bên cạnh đó, TS. Đính đánh giá cao những khu đô thị của các chủ đầu tư uy tín, có chất lượng kiểm duyệt tốt, tuân thủ các quy định của pháp luật, ví dụ tại Hà Nội có dự án của Vinhomes, Ecopark... Cùng với đó là hệ thống hạ tầng, tiện ích đa dạng, phục vụ cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là trẻ em như trường học, khu vui chơi...
"Rõ ràng, những chủ đầu xác định có ý thức, tư duy quan tâm đến đối tượng này, thì các công trình, dự án mới đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe, người dân cũng mới tin tưởng và an tâm lựa chọn an cư", ông Đính cho hay.
Qua đó, ông Đính kiến nghị, với những giải thưởng dành cho các dự án cần phải đánh giá thêm một tiêu chí nữa, đó là ý thức của chủ đầu tư. Có như vậy mới tạo ra được những công trình đảm bảo chất lượng, an toàn nhất đối với đối tượng trẻ em.