Petrovietnam mục tiêu góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, đồng bộ.
Ngày 15/4, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về phát triển công nghệ cao.
Thỏa thuận đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn chủ lực của nền kinh tế quốc dân.
Thỏa thuận hợp tác lần này sẽ tập trung vào việc cùng nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp nền tảng như: nghiên cứu, sản xuất nguyên vật liệu và hóa chất phục vụ công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp bán dẫn, nghiên cứu – triển khai khoa học công nghệ, chuyển đổi số... và các lĩnh vực khác như: khai thác – chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất cơ bản và hóa chất tiêu dùng, hóa dược, phát triển năng lượng tái tạo, logistics.
Vinachem sẽ phát huy thế mạnh về công nghệ hóa chất, trong khi Petrovietnam đảm trách vai trò tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn, để từng bước xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
Hai bên đồng thuận sẽ cùng đầu tư, góp vốn vào các dự án chiến lược có khả năng lan tỏa, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng dài hạn. Đồng thời, Petrovietnam và Vinachem cam kết triển khai hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả hợp tác một cách bài bản, minh bạch.
Công nghiệp bán dẫn được xác định là lĩnh vực chiến lược
Petrovietnam được thành lập vào năm 1975 với sứ mệnh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và là trụ đỡ kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay tập đoàn có 27 đơn vị thành viên và liên kết.
Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục doanh thu hợp nhất khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 9% GDP cả nước.
Theo dữ liệu từ PVN, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 43 tỷ USD) - là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất không phải là ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt hơn 530 nghìn tỷ đồng (23 tỷ USD).
Với định danh mới "Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam" (đổi từ tên cũ: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), lãnh đạo Petrovietnam khẳng định doanh nghiệp không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia.
Do đó, trước Vinachem, "ông lớn" này đã và đang triển khai nhiều hợp tác toàn diện với các tập đoàn, doanh nghiệp như Viettel, ACV, TKV,... để tăng cường liên kết, mở rộng quy mô, gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, tối ưu sức cạnh tranh.
Trong Hội nghị với Thủ tướng hôm 15/4, lãnh đạo tập đoàn cho biết Petrovietnam phấn đấu đến năm 2030 lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Đối với ngành bán dẫn, theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong Giai đoạn 1 (2024 - 2030), Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%, tiến tới đến 2050 sẽ làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo Phan Trang