Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo rằng ngân hàng trung ương có thể sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước tác động của cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào.
Trong bài phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào ngày 16/4, ông Powell cho biết nếu các mức thuế cao tiếp tục làm tăng giá tiêu dùng và làm suy yếu hoạt động kinh tế, Fed sẽ rơi vào tình thế khó xử khi buộc phải lựa chọn giữa hai mục tiêu: kiểm soát lạm phát và hỗ trợ thị trường lao động.
Chủ tịch Fed nhận định: “Chúng ta có thể sẽ rơi vào kịch bản đầy thách thức, khi mục tiêu kép của Fed trở nên mâu thuẫn với nhau”.
Trong tình huống đó, Fed sẽ cân nhắc khoảng cách giữa lạm phát thực tế so với mục tiêu 2%, mức độ suy yếu của thị trường lao động, cũng như khoảng thời gian cần thiết để cả hai yếu tố này có thể cải thiện trở lại, từ đó đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp.
Ông Powell nhấn mạnh rằng Fed hiện không cần vội vàng cắt giảm lãi suất. Ông đồng thời thừa nhận rằng triển vọng kinh tế vẫn đang biến động bởi các quyết định chính sách thương mại khó lường.
Trích dẫn một câu nói nổi tiếng từ bộ phim "Ferris Bueller’s Day Off", ông Powell nói: “Như nhân vật Ferris Bueller – một người con của Chicago – từng nói: ‘Cuộc sống trôi qua rất nhanh’. Vì vậy, trong lúc này, chúng tôi có cơ hội để chờ đợi đến khi có thêm thông tin rõ ràng hơn rồi mới điều chỉnh lập trường chính sách”.
Bài phát biểu của ông Powell cho thấy Fed đang đặc biệt tập trung vào việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát trong dài hạn của người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vì Fed tin rằng kỳ vọng đó có thể trở thành hiện thực nếu lan rộng. Việc đó đồng nghĩa phải bảo đảm cho công chúng hiểu rõ giá cả tăng do thuế quan chỉ mang tính tạm thời.
Lạm phát tăng mạnh vào năm 2021, nhưng đã giảm dần trong năm 2022 và 2023 nhờ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ. Đến tháng 2, lạm phát đã giảm xuống quanh mức 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 7% vào năm 2022.
Ông Powell cũng hàm ý rằng nếu hai mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ thị trường lao động trở nên mâu thuẫn, Fed có thể sẽ ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng cân bằng giữa hai mục tiêu, nhưng luôn ghi nhớ rằng: Nếu không có sự ổn định về giá cả, thì không thể duy trì được một thị trường lao động mạnh mẽ và bền vững – điều vốn đem lại lợi ích cho tất cả người dân Mỹ”.
Ở một góc nhìn khác, tình thế khó khăn của Fed hiện nay giống như thủ môn trong một trận bóng đá. Người này phải quyết định nên đổ người sang bên phải để ngăn cản lạm phát, hay nghiêng sang bên trái để cứu vãn tăng trưởng yếu khi đối thủ chuẩn bị thực hiện một quả phạt đền.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 11, ông Powell đã né tránh câu hỏi về cách Fed sẽ phản ứng nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng "lạm phát cao nhưng tăng trưởng trì trệ" (stagflation).
Ông nói: “Toàn bộ kế hoạch của chúng tôi là làm mọi cách để không rơi vào lạm phát đình trệ, do đó chúng ta không phải giải quyết vấn đề này. Tất nhiên, đó rõ ràng là một tình huống rất khó xử, vì bất kỳ động thái nào với lãi suất cũng sẽ gây tổn thương cho một trong hai bên, hoặc là mục tiêu kiểm soát lạm phát, hoặc là mục tiêu hỗ trợ việc làm”.
Theo FedWatch của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trở lại vào tháng 6 và thực hiện 3-4 đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm 2025.
Sau phát biểu của Chủ tịch Fed Powell, chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh trong phiên.
Theo WSJ, CNBC