Tuần qua, các nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, một động thái bất thường làm gia tăng thêm tình trạng hỗn loạn trên thị trường do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Chỉ trong vài phiên, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,592% vào 11/4, mức cao nhất kể từ tháng 2. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 vào giữa tuần trước. Mặc dù lợi suất đã giảm kể từ đó nhưng vẫn ở mức cao.
Theo dữ liệu từ LSEG, lợi suất tăng khoảng 50 điểm cơ bản trong 5 ngày tính đến ngày 11/4.
Khi nỗi lo suy thoái gia tăng và thị trường vẫn biến động, việc bán tháo trái phiếu kho bạc là điều bất thường vì trong thời kỳ bất ổn, các nhà đầu tư thường có xu hướng đổ xô đến nơi an toàn là trái phiếu Mỹ.
Dòng chảy bất thường này đặt ra câu hỏi: ai đã bán và tại sao?
Trung Quốc
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn thứ 2 của Mỹ sau Nhật Bản, nắm giữ khoảng 760 tỷ USD trái phiếu kho bạc.
Top các quốc gia nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ tính đến tháng 1/2025. Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ.
Chen Zhao, chiến lược gia toàn cầu tại Alpine Macro, cho biết: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc thực sự đang biến trái phiếu kho bạc thành vũ khí”.
“Họ bán trái phiếu kho bạc Mỹ và dùng tiền đó mua euro hoặc trái phiếu Đức (bund). Trái phiếu Đức nằm ngoài đợt bán tháo đối trái phiếu kho bạc dài hạn vào tuần trước, với lợi suất 10 năm của bund giảm.
Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc bán trái phiếu kho bạc sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc cũng như Mỹ.
Michael Pettis, thành viên cấp cao của Carnegie tại Bắc Kinh, cho biết việc bán tháo quá nhanh sẽ làm giảm giá trị của các trái phiếu còn lại, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải chịu tổn thất cho các khoản đầu tư của mình.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản
Trong khi nhiều chú ý hướng về Trung Quốc, một số nhà phân tích lại cho rằng Nhật Bản – chủ nợ lớn nhất của Mỹ – mới là bên bán ra. Người đứng đầu chính sách của đảng cầm quyền nước này đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản không nên “cố ý” bán trái phiếu kho bạc sau khi một nhà lập pháp đối lập đưa ra ý tưởng sử dụng trái phiếu kho bạc làm công cụ đàm phán trong các cuộc đàm phán thương mại song phương.
Một nhà phân tích cho rằng Nhật Bản có thể chính là bên “châm ngòi” đợt bán tháo trái phiếu kho bạc, chứ không phải Trung Quốc. “Nhật Bản thực sự là vấn đề lớn hơn”, Garry Evans của BCA Research nhận định. Cụ thể hơn, đó là các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản.
“Chính phủ Nhật Bản nói rằng không bán trái phiếu kho bạc Mỹ, nhưng họ không sở hữu chúng. Đó là công ty bảo hiểm nhân thọ Nippon Life”, ông nói thêm.
Nếu các công ty bảo hiểm này lo ngại về sự thay đổi chính sách của Mỹ và muốn giảm thiểu rủi ro, thì “chính phủ không thể ngăn họ bán ra”.
Các quỹ đầu cơ và ‘đội tự kiểm trái phiếu’
Khi xu hướng bán tháo trái phiếu tăng tốc, các quỹ đầu cơ có thể buộc phải thoái vốn khỏi các giao dịch trái phiếu, theo Prashant Newnaha, chiến lược gia vĩ mô khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của TD Securities. Khi nhận được yêu cầu ký quỹ từ các nhà môi giới, các quỹ có thể buộc phải hủy bỏ bán trái phiếu Mỹ để huy động tiền mặt.
Đây là những giao dịch mà các quỹ đầu cơ vĩ mô thường sử dụng: Vay tiền để mua trái phiếu chính phủ Mỹ và bán các hợp đồng tương lai gắn với trái phiếu này nhằm kiếm lời từ chênh lệch giá.
Ngoài ra, “những đội tự kiểm trái phiếu” cũng được cho là góp phần vào các đợt bán tháo. Đây là các nhà đầu tư có khả năng tự điều hòa lãi suất bằng cách mua hay bán trái phiếu, dựa theo nhận định về chính sách của họ.
Theo CNBC