Cần những nỗ lực phi thường
Chia sẻ tại Hội thảo “ Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức hôm nay (26/5) tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, thời điểm khu vực kinh tế tư nhân được giao sứ mệnh lớn lao và đặt nhiều kỳ vọng, lại là lúc các doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn.
"Trước đây, cứ 2 doanh nghiệp thành lập thì có 1 doanh nghiệp rút lui, nhưng nay tỷ lệ gần như 1-1. Vấn đề căn bản là do môi trường kinh doanh khó khăn. Doanh nghiệp không chỉ "chậm lớn" mà còn đang đối mặt với nhiều thách thức, bồi thêm những bất thường trong sự phát triển chung, những khó khăn từ bối cảnh quốc tế", ông Thiên nhận định.
PGS.TS Trần Đình Thiên.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần có những nỗ lực phi thường, vượt bậc, không chỉ từ phía doanh nghiệp, mà còn là Nhà nước trong việc tháo gỡ các rào cản thể chế đang kìm hãm sự phát triển, bao gồm hạ tầng, nguồn nhân lực và khung pháp lý; xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, không thiên lệch ưu đãi giữa các thành phần kinh tế.
"Quan trọng hơn, không chỉ dừng lại ở việc "cởi trói", cơ chế chính sách phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có thể vươn lên một tầm mới”, ông Thiên nói và nhấn mạnh cần xây dựng, hỗ trợ phát triển các chuỗi sản xuất Việt Nam, do tập đoàn kinh tế trong nước dẫn dắt, doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Thủ tục đầu tư quá phức tạp
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 68 , Nghị quyết 68, VCCI tiến hành rà soát vướng mắc về quy trình thực hiện dự án đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư vào dự án có sử dụng đất phải phải trải qua quy trình từ thực hiện quy hoạch chung, phân khu, đến chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đất đai , cho thuê đất….
“Thủ tục hiện rất phức tạp, liên quan đến ít nhất 15 thủ tục lớn, kèm theo rất nhiều thủ tục nhỏ”, ông Tuấn nói và cho biết, doanh nghiệp thường phải tự xoay xở qua nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Mỗi khâu lại liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn riêng, có sự tham gia của nhiều cấp chính quyền - từ địa phương đến trung ương.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI.
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, nhiều thủ tục có thể cải cách, điều chỉnh ngay. “Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rất nhiều về việc, tại sao chúng ta có quy hoạch chi tiết, đã đầu tư vào khu công nghiệp , thậm chí đã có đánh giá tác động môi trường, mà mỗi dự án vào lại phải xử lý lại từ đầu. Đây là lãng phí về mặt thủ tục. Thậm chí, Thủ tướng từng đề cập nếu có tiêu chuẩn cụ thể, nhà đầu tư có thể thực hiện trước, Chính phủ giám sát và hậu kiểm”, ông Tuấn cho hay.
Vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về đầu tư đã có thủ tục đầu tư đặc biệt, thực hiện theo quy trình hậu kiểm , nhà đầu tư chỉ cần có tổ chức tư vấn đầu tư được nhà nước xác nhận và có thể triển khai và Nhà nước có thể giám sát chỉ mất thủ tục ngắn thôi. Tuy nhiên, mô hình đầu tư đặc biệt đang dần triển khai này chỉ áp dụng cho nhà đầu tư công nghệ cao.
Ông Tuấn mong muốn, quy định có thể mở rộng phạm vi áp dụng tới những dự án khác, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp tư nhân .
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG - bày tỏ: “Doanh nghiệp tư nhân mong muốn sự nhất quán trong chính sách, để chúng tôi không phải phấp phỏng lo lắng, liệu 10 năm năm sau, có văn bản, quy định nào đó lại có 2 dòng phải xem lại. Doanh nhân sẵn sàng tận tâm cống hiến hết sức, nhưng cần yên tâm đang làm được hướng dẫn đúng, biết để đi theo đúng Nghị quyết 68 ".