Đến cuối ngày, giá vàng nhẫn và vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục giảm mạnh.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn được điều chỉnh về mức 114,7 – 117,7 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng so với phiên mở cửa sáng cùng ngày.
Tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn hiện giao dịch ở mức 111,5 – 114,5 triệu đồng/lượng, tiếp tục giảm 500.000 đồng so với đầu giờ sáng. Cùng mức giảm, DOJI cũng hạ giá vàng nhẫn xuống còn 108 – 112 triệu đồng/lượng.
Riêng PNJ giữ nguyên giá vàng nhẫn ở mức 112 – 115 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại các doanh nghiệp trên cũng đồng loạt giảm về mức 116,5 – 119 triệu đồng/lượng, tương ứng mức giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
--
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng tại nhiều doanh nghiệp như Bảo Tín Minh Châu, Công ty SJC, DOJI và PNJ đồng loạt giảm xuống còn 117 – 120 triệu đồng/lượng, mất tới 2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại các doanh nghiệp này cũng giảm trung bình 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, hiện, PNJ và Công ty SJC cùng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 112 – 115 triệu đồng/lượng. DOJI giao dịch ở mức 108,5 – 112,5 triệu đồng/lượng.
Riêng Bảo Tín Minh Châu giữ nguyên giá vàng nhẫn so với phiên trước, duy trì ở mức 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở mức 3.347 USD/ounce, giảm hơn 9 USD so với phiên trước. Chốt phiên giao dịch tuần trước, giá vàng vẫn duy trì ổn định trên mốc 3.300 USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhà đầu tư không nên quá lạc quan, bởi khả năng giá vàng điều chỉnh trong ngắn hạn là điều không thể loại trừ, đặc biệt khi áp lực chốt lời có thể gia tăng sau giai đoạn tăng mạnh.
Theo kết quả khảo sát của Kitco News, tâm lý thị trường đang chuyển sang chiều hướng tích cực. Trong số 16 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát tại Wall Street, không ai dự báo giá vàng sẽ giảm. 81% dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng, trong khi 19% cho rằng giá sẽ đi ngang.
Khảo sát trực tuyến với nhà đầu tư cá nhân trên Main Street cũng cho kết quả tương tự: 63% kỳ vọng giá vàng tăng, 21% dự báo giảm, còn lại 16% giữ quan điểm trung lập.
Ông Thorsten Polleit, Giáo sư danh dự Kinh tế tại Đại học Bayreuth và là nhà sáng lập báo cáo Boom & Bust nhận định rằng mặc dù giá vàng hiện ở vùng cao, một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang do dự gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, ông đặc biệt lưu ý tới lực cầu từ khối ngân hàng trung ương – nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục mua vào trong bối cảnh rủi ro tài chính toàn cầu gia tăng.
Chính lực cầu này được dự báo sẽ tạo nên một “mức sàn” ổn định cho giá vàng quanh ngưỡng 3.000 USD/ounce. Theo ông Polleit, giai đoạn tích lũy hiện tại có thể là cơ hội để nhà đầu tư nhìn lại vai trò của vàng trong chiến lược phân bổ tài sản.
“Mặc dù nhu cầu đầu tư đã cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa trở lại đỉnh cao như năm 2020,” ông nói. “Xu hướng hiện tại đang ủng hộ vàng. Đây là thời điểm để nhà đầu tư cân nhắc tối ưu hóa danh mục và xác định lại vị trí của vàng trong chiến lược tài chính dài hạn.”