Ngày 26-5, tại hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự và theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2025, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã công bố những con số ấn tượng.
Những con số biết nói
Theo báo cáo tại hội nghị, TP HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về khối lượng việc và tiền phải thi hành án, với tổng số 93.663 việc, tăng 16,59% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số tiền phải thi hành án cũng tăng mạnh, lên hơn 173.260 tỉ đồng, tăng 27,48%.
Trước áp lực khổng lồ này, toàn hệ thống thi hành án dân sự TP HCM đã không ngừng nỗ lực, đạt nhiều kết quả ấn tượng: trong 6 tháng đầu năm đã thi hành xong 24.127 việc, đạt 45,49%, vượt 3,54% so với chỉ tiêu đề ra. Về mặt tài chính, đã thu hồi hơn 20.217 tỉ đồng, đạt 29,14%, vượt 3,19% so với kế hoạch.
Quang cảnh hội nghị
Đáng chú ý, những con số này được đạt được trong bối cảnh không ít vụ việc có tài sản hình thành trong tương lai, vướng mắc pháp lý kéo dài hoặc gặp khó khăn khách quan như tài sản tranh chấp, khó kê biên.
Ngoài công tác thi hành án dân sự thông thường, ngành thi hành án dân sự TP HCM còn tập trung xử lý các vụ án trọng điểm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Báo cáo viên tại hội nghị
Trong "trận địa nóng" của công tác phòng chống tham nhũng, ngành thi hành án dân sự TP HCM được giao xử lý 496 vụ việc liên quan với tổng số tiền phải thi hành gần 74.000 tỉ đồng. Đến nay, đã thu hồi thành công 6.910 tỉ đồng, đạt 27,81% trong số có điều kiện thi hành.
Riêng 42 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, với tổng số tiền phải thi hành án hơn 66.323 tỉ đồng, đến nay đã thi hành được 6.025 tỉ đồng.
Một số vụ án điển hình được xử lý như vụ "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Công ty AIC, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM; hay vụ án liên quan ông Đinh La Thăng với khoản góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào OceanBank, được phối hợp thi hành qua ủy thác với Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.
Các cơ quan thi hành án dân sự TP HCM đã ra 1.430 quyết định cưỡng chế, trong đó có 23 vụ huy động lực lượng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Hệ thống phối hợp chặt chẽ giữa Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan như TAND, VKSND, công an, Sở Tài nguyên – Môi trường… cũng được phát huy hiệu quả, giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong các vụ việc, từ cưỡng chế giao nhà, bán đấu giá tài sản đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, khẳng định vai trò đầu tàu
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao thành tích nổi bật của Cục Thi hành án dân sự TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo ông, điểm nổi bật của Cục Thi hành án dân sự TP HCM là sự chủ động trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi hành án. Đặc biệt, công tác thu hồi tài sản thuộc diện "trọng điểm, phức tạp" đã có kết quả tích cực.
Thứ trưởng Bộ tư pháp Mai Lương Khôi
Liên quan vụ án Trương Mỹ Lan, Thứ trưởng Mai Lương Khôi khẳng định: "Việc thi hành án phải khách quan, công bằng, không để xảy ra sai sót trong bất kỳ khâu nào, từ xác minh, kê biên, xử lý tài sản đến chi trả cho người bị hại, tránh tình trạng "án chồng án".
Về định hướng lâu dài, ông Mai Lương Khôi lưu ý TP HCM cần sắp xếp tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ chấp hành viên và lãnh đạo, đồng thời phát huy vai trò "hạt nhân" chuyển đổi số của ngành thi hành án dân sự cả nước. Ông nhấn mạnh TP HCM không chỉ là địa phương có khối lượng án lớn nhất mà còn tiên phong ứng dụng công nghệ trong thi hành án, tạo mô hình kiểu mẫu, góp phần chuyển mình mạnh mẽ cho toàn hệ thống.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự TP, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến cùng kết quả đạt được của ngành trong 6 tháng đầu năm.
Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thành phố
Ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh TP HCM chiếm 11% tổng số việc và 39% tổng số tiền phải thi hành của cả nước. Khối lượng công việc lớn với nhiều vụ việc phức tạp đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM Nguyễn Văn Hoà
Một trong những ví dụ tiêu biểu là thi hành án vụ án Trương Mỹ Lan. Ông Dương Ngọc Hải ghi nhận: "Nếu áp dụng các phương thức thủ công như trước đây thì có lẽ phải mất 20 năm mới hoàn tất. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng dữ liệu định danh điện tử qua VNeID, thực hiện thao tác để chỉ với một lệnh, có thể chuyển tiền đến hàng chục ngàn tài khoản. Việc này cho thấy sự chủ động, đổi mới trong tư duy và cách làm, góp phần đưa hoạt động thi hành án sang một giai đoạn mới, chính xác, nhanh chóng, công khai và hiệu quả hơn".
Các tập thể, cá nhận được khen thưởng
Ông Dương Ngọc Hải cũng ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thi hành án dân sự TP HCM với các sở, ngành, UBND quận – huyện và TP Thủ Đức, đặc biệt trong những vụ án lớn, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
Cũng tại hội nghị, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã công bố quyết định của Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho các đơn vị thuộc khối thi hành án dân sự địa phương và khen thưởng cho nhiều cá nhân.