Theo Nghị định số 29 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính , bộ có 35 đơn vị. Bộ Tài chính được hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH). Cùng với đó, một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng 37,7%. Trong đó, giảm 3 đầu mối cấp Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, giảm 6 đầu mối cấp tổng cục, 116 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc Bộ, giảm 336 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc tổng cục; khoảng trên 3.100 đầu mối cấp phòng, chi cục và tương đương thuộc vụ, cục và tương đương thuộc Bộ trở xuống. Theo đó, số lượng lãnh đạo cấp trưởng giảm tương đương với số lượng đầu mối giảm.
Bộ Tài chính được bổ sung hơn 11.400 tỷ đồng để thực hiện chế độ chính sách cho hơn 10.400 người nghỉ trước tuổi theo Nghị định 178 và Nghị định số 67.
Bộ Tài chính sau hợp nhất có hơn 69.400 biên chế công chức , hơn 17.650 biên chế viên chức , nhiều biên chế nhất khối Chính Phủ. Sau khi hoàn thành việc hợp nhất, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết năm nay số lượng công chức, viên chức, người lao động của ngành tài chính giảm 9.460 người, dự kiến năm 2026 tiếp tục giảm khoảng 10.000 người.
Theo Nghị quyết 08-NQ/ĐUBTC, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính thống nhất tiếp tục sắp xếp các đơn vị ngành dọc của Bộ Tài chính ở địa phương để đảm bảo phù hợp với việc tổ chức đơn vị hành chính các cấp và đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ Tài chính.
Phương án sắp xếp tổ chức ngành dọc của Bộ Tài chính tại địa phương được thực hiện đồng bộ theo hướng phù hợp với mô hình tổ chức đơn vị hành chính các cấp.
Cơ quan thuế và kho bạc tổ chức thành 34 đơn vị cấp tỉnh, thành phố. Các đội thuế cấp huyện sẽ chuyển đổi thành thuế cơ sở, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thuế tỉnh/thành phố, để thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế trên địa bàn các xã, phường sau sáp nhập.
Tương tự, các phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh cũng sẽ được bố trí lại nhằm quản lý hiệu quả các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Ở khối thống kê và BHXH, Bộ Tài chính tổ chức lại 63 Chi cục thống kê và 35 BHXH khu vực thành 34 cơ quan thống kê và BHXH cấp tỉnh/thành phố. Các đơn vị cấp huyện sẽ không còn tồn tại độc lập, thay vào đó là các Thống kê cơ sở và BHXH cơ sở, trực thuộc cấp tỉnh và quản lý trực tiếp tại địa bàn xã, phường.
Riêng với hệ thống hải quan và dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính giữ nguyên 20 chi cục hải quan khu vực và 15 chi cục dự trữ khu vực, nhưng sẽ điều chỉnh địa bàn quản lý theo mô hình hành chính mới . Các đơn vị này đồng thời đổi tên, bỏ chữ “chi cục”, trở thành “Hải quan khu vực” và “Dự trữ Nhà nước khu vực”.
Đảng ủy Bộ Tài chính thông qua phương án tiếp tục sắp xếp lại một số tổ chức, đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, hợp nhất Vụ Ngân sách Nhà nước và Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân để tăng cường tính đồng bộ và hiệu quả trong công tác tham mưu về chính sách tài chính , ngân sách và kinh tế vĩ mô; tách chức năng thẩm định, giám sát, đánh giá đầu tư khỏi Vụ Đầu tư để thành lập một đơn vị cấp vụ độc lập, nhằm nâng cao tính chuyên môn và khách quan trong công tác quản lý đầu tư công.
Hoạt động của Thanh tra Bộ Tài chính sẽ kết thúc. Thay vào đó, Bộ sẽ tổ chức các đơn vị cấp phòng tại Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế để làm đầu mối thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 974 bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương (đợt 3). Trong đợt này, Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất, lên tới hơn 10.400 người, với tổng kinh phí hơn 11.400 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng kinh phí hỗ trợ.