Đơn khởi kiện của quỹ 1MDB đang khiến ngân hàng Standard Chartered đứng trước yêu cầu bồi thường lên tới 2,7 tỷ USD, do bị cáo buộc đóng vai trò trung gian giúp dòng tiền bị biển thủ từ quỹ nhà nước này.
Được đệ trình tại Tòa án tối cao Singapore, vụ kiện cáo buộc Standard Chartered cho phép hơn 100 giao dịch nội bộ từ 2009–2013, qua đó “che giấu luồng tiền xấu” của 1MDB. Một số được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của cựu Thủ tướng Najib Razak và phục vụ cho việc mua sắm đồ trang sức, đồng hồ xa xỉ cho gia đình ông.
Vai trò của ông Najib Razak gắn liền với 1MDB. Ông là người sáng lập quỹ trong năm 2009 khi còn là Thủ tướng Malaysia, nắm quyền kiểm soát chính sách, hội đồng quản lý và mọi quyết định đầu tư tài chính của 1MDB. Hàng tỷ USD từ quỹ được cho là đã chuyển tới tài khoản cá nhân của ông thông qua các giao dịch vòng vo và dự án không minh bạch. Najib sau đó bị kết án 12 năm tù vì tham nhũng và rửa tiền liên quan quỹ SRC – một đơn vị con của 1MDB – đồng thời phải nộp phạt hơn 200 triệu ringgit (47 triệu USD) trước khi án được giảm xuống 6 năm kể từ năm 2022.
Quay lại với bê bối của Standard Chartered.
Ngân hàng này được cho là đã phớt lờ nhiều tín hiệu rủi ro rõ ràng, bao gồm các giao dịch từ các công ty vỏ bọc (shell companies) có liên quan đến Jho Low – nhân vật chính trong kế hoạch biển thủ tài sản 1MDB. Standard Chartered bị cáo buộc đóng vai trò trung gian trong việc giúp những dòng tiền trị giá hàng tỷ USD thoát khỏi sự giám sát.
Jho Low
Jho Low bắt đầu bị để mắt sau khi dính líu đến vụ tham nhũng rúng động của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak. Năm 2016, 1MDB đã trở thành đối tượng bị điều tra rửa tiền tại ít nhất 6 quốc gia trong đó có Mỹ, Thụy Sỹ, Singapore. Là một trong những người quản lý của 1MDB, Low bị cáo buộc trộm khoảng 4,5 tỷ USD (hơn 103 nghìn tỷ đồng) từ quỹ này.
Tháng 10/2018, tòa án Malaysia công bố lệnh bắt giữ Jho Low theo Luật chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và thu lợi bất chính và Luật ủy ban chống tham nhũng Malaysia. Tháng 6/2019, Low bị Interpol phát lệnh truy nã đỏ với 13 cáo buộc về các tội tham ô và rửa tiền.
Mặc dù vụ kiện lần này nhắm vào Standard Chartered, nhưng bản chất vẫn là vòng xoáy giữa Jho Low, cựu quan chức Malaysia và sự tiếp tay gián tiếp của các ngân hàng quốc tế. Standard Chartered bị cáo buộc đã cho phép các dòng tiền này luân chuyển qua hệ thống nội bộ mà không kiểm tra kỹ lưỡng, khiến dòng vốn bất hợp pháp có thể được che giấu và rút đi trong nhiều năm.
Đây không phải là lần đầu tiên Standard Chartered liên đới đến cáo buộc kiểm soát nội bộ yếu kém. Năm 2016, Singapore từng phạt ngân hàng này 5,2 triệu SGD vì vi phạm các quy định chống rửa tiền, xác định rằng hệ thống giám sát khách hàng và giao dịch có nhiều “lỗ hổng nghiêm trọng”. Trước đó, năm 2019, tập đoàn này cũng đã trả 1,1 tỷ USD tiền phạt cho chính phủ Mỹ và Anh vì thiếu sót trong việc kiểm soát rửa tiền.
Đáp lại, Standard Chartered hiện khẳng định mình luôn tăng cường kiểm soát nội bộ kể từ 2013, đóng tất cả tài khoản liên quan và hợp tác với các cơ quan điều tra khi bê bối 1MDB bị phát hiện. Ngân hàng từ chối mọi cáo buộc và cho biết sẽ phản bác mạnh mẽ tại tòa.
Vụ kiện hiện tại là một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm khôi phục tiền cho 1MDB. Kể từ đầu năm 2019 đến đầu 2024, Malaysia đã thu hồi khoảng 6,92 tỷ USD khoản vốn bị biển thủ. Tuy nhiên, một phần lớn vẫn thất thoát, trong đó có luồng tiền qua Standard Chartered.
Điểm mấu chốt là dù Standard Chartered có khẳng định đã đầu tư mạnh vào hệ thống kiểm soát nội bộ kể từ các vụ rắc rối trong thập niên trước, pháp luật và các yếu tố rủi ro vẫn chồng chất. Ngay cả khi không bị kết luận có hành vi cố ý, việc không phát hiện và ngăn chặn giao dịch bất thường vẫn có thể bị coi là thiếu trách nhiệm nghiêm trọng.
Tương lai pháp lý của Standard Chartered hiện vẫn chưa rõ. Nếu tòa ấn định bồi thường, ngân hàng có thể phải chịu thiệt hại tài chính lớn và đối mặt với tổn thất uy tín nghiêm trọng. Trong khi đó, bê bối cũng đặt câu hỏi lớn rằng đến mức nào các ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc lập trình ngăn chặn các dòng tiền đáng ngờ.
Theo: Financial Times, Nikkei Asia