Đầu tư khẩn cấp để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Bộ Xây dựng vừa chính thức gửi văn bản tới Bộ Tài chính, thống nhất với đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp.
Theo Bộ Xây dựng, việc mở rộng cao tốc này nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại gia tăng khi sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026, đồng thời kết nối hiệu quả với vành đai 2, vành đai 3 cũng như trung tâm TP.HCM. Bộ Xây dựng nhấn mạnh, dự án mở rộng này phải được triển khai khẩn trương để đảm bảo đồng bộ hạ tầng giao thông trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: VnEconomy
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 130 Luật Xây dựng, nếu Thủ tướng Chính phủ quyết định dự án là công trình xây dựng khẩn cấp, các cơ chế đặc thù sẽ được áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai. Bao gồm việc thực hiện khảo sát, thiết kế, hình thức lựa chọn nhà thầu linh hoạt cùng những cơ chế ưu tiên khác theo thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp tham mưu để Thủ tướng ban hành các quyết định về hình thức lựa chọn nhà thầu và cơ chế đặc thù phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Trước đó, VEC đã kiến nghị Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận cho phép triển khai dự án mở rộng gần 22km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dưới hình thức công trình xây dựng khẩn cấp. Đồng thời, đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù để bảo đảm khởi công công trình vào ngày 19/8/2025 như kế hoạch.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có gì?
Gần đây, tình trạng quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thường xảy ra. Dự án cao tốc này đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2014 với quy mô 4 làn xe. Sau hơn 10 năm vận hành, lưu lượng xe trên đoạn cao tốc này đã vượt công suất thiết kế, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông trọng điểm phía Nam.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (km0 - km25+920) hiện có nhu cầu vận tải vượt 25% so với năng lực thông hành của 4 làn xe hiện tại. Trung bình, lưu lượng xe trên tuyến TP.HCM – Long Thành tăng khoảng 10,82% mỗi năm, dẫn đến tình trạng quá tải kéo dài.
Gần đây, tình trạng quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thường xảy ra. Ảnh: Báo Đầu tư
Mặc dù dự kiến toàn tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2026 nhằm giảm áp lực lưu thông, Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu vận tải trên cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây vẫn sẽ vượt 25% so với năng lực thiết kế 4 làn xe.
Trước thực trạng này, việc đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây được đánh giá là cần thiết và mang tính cấp bách, nhất là trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đi vào hoạt động trong cùng năm 2026, thúc đẩy lưu lượng giao thông khu vực tăng cao.
Phương án mở rộng do VEC đề xuất và được các bộ ngành chấp thuận gồm:
Đoạn dài 4,844 km từ cầu cạn vành đai 2 đến vành đai 3 sẽ được nâng cấp từ 4 lên 8 làn xe.
Đoạn từ vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 17,07 km sẽ được mở rộng lên 10 làn xe với vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án mở rộng ước tính khoảng 16.314 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn bao gồm: 6.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 9.814 tỷ đồng huy động từ VEC (trong đó 1.987 tỷ đồng vốn tự có và 6.850 tỷ đồng vốn vay), cùng lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 977 tỷ đồng.
Việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được xem là dự án trọng điểm, góp phần quan trọng trong hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng và rút ngắn thời gian di chuyển đến sân bay quốc tế Long Thành cũng như các vùng lân cận.