Mỹ ra đòn với chip Huawei Trung Quốc
Chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố tạm thời ngừng áp thuế đối ứng, căng thẳng lại bùng phát — lần này xoay quanh tương lai của loại chip bán dẫn tiên tiến nhất do Bắc Kinh tự sản xuất.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh liên tục chỉ trích Washington vì đã cảnh báo các công ty không sử dụng chip AI Huawei Ascend do Huawei, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, sản xuất. Bắc Kinh còn cáo buộc Nhà Trắng phá hoại thỏa thuận đã đạt được tại các cuộc đàm phán thương mại gần đây ở Geneva vào ngày 10-11/5, nơi hai bên đồng ý tạm dỡ bỏ thuế quan và sử dụng thời hạn 90 ngày để đàm phán một thỏa thuận mở rộng hơn.
Cuộc xung đột xung quanh dòng chip tiên tiến nhất của Huawei là lời cảnh báo rằng, bất chấp những tuyên bố tích cực từ các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc trong tuần trước đó, hai bên vẫn tồn tại những khác biệt lớn về nhiều vấn đề và không dễ dàng giải quyết.
Vào 21/5, Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra chỉ trích, cáo buộc Mỹ "lạm dụng kiểm soát xuất khẩu để đàn áp và kiềm chế Trung Quốc", đồng thời gọi đó là "hành vi bắt nạt đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ điển hình".
Tuần trước đó, Trung Quốc đã phản ứng trước thông báo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy bỏ một loạt lệnh hạn chế do thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden ban hành, nhằm ngăn các đối thủ nước ngoài tiếp cận chip AI.
Trong thông báo này, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành hướng dẫn vào ngày 12/5, cảnh báo rằng "việc sử dụng chip Huawei Ascend ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 10/5. Ảnh: Reuters
Sau đó, bộ này đã điều chỉnh cách diễn đạt, loại bỏ cụm từ "ở bất kỳ đâu trên thế giới" trong phiên bản cập nhật của tuyên bố.
Chip Ascend là bộ xử lý AI mạnh nhất của Huawei, được thiết kế để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo và nhằm cạnh tranh trực tiếp với sự thống trị của Nvidia trong lĩnh vực chip cao cấp.
Những nỗ lực này của Huawei đóng vai trò then chốt trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng năng lực tự chủ về công nghệ bán dẫn tiên tiến, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh quyết liệt để giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI.
Tại một cuộc họp chính trị cấp cao hồi tháng trước, ông Tập đã kêu gọi đẩy mạnh “tự lực” trong phát triển AI, khẳng định Trung Quốc sẽ huy động “toàn bộ hệ thống quốc gia mới” để vượt qua các điểm nghẽn chiến lược như công nghệ chip tiên tiến.
Trung Quốc nổi giận
Hôm 19/5, Bắc Kinh phát tín hiệu rằng việc Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh cách diễn đạt trong tuyên bố cập nhật về Huawei là chưa đủ để chấm dứt căng thẳng. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng dù cách diễn đạt đã được "điều chỉnh", thì "các biện pháp phân biệt đối xử và bản chất bóp méo thị trường" của hướng dẫn này vẫn không thay đổi.
Bộ này cho biết Trung Quốc đã tiến hành đàm phán và liên lạc với phía Mỹ ở nhiều cấp độ thông qua cơ chế tham vấn kinh tế và thương mại song phương, đồng thời nhấn mạnh rằng các hành động của Washington đã "làm suy yếu nghiêm trọng sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán cấp cao tại Geneva". Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ "sửa chữa sai lầm của mình".
Tuyên bố mới nhất của Bộ Thương mại Trung Quốc vào 21/5 đi kèm với một cảnh báo bổ sung từ Bắc Kinh gửi tới các doanh nghiệp toàn cầu, đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với bất kỳ ai hỗ trợ cho điều mà Bắc Kinh gọi là nỗ lực của Washington nhằm “cấm sử dụng chip tiên tiến của Trung Quốc trên toàn cầu”.
Tuyên bố nêu rõ: “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các biện pháp này của Mỹ đều có thể vi phạm Luật chống trừng phạt nước ngoài của Trung Quốc và các luật và quy định liên quan khác, và phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng.”
"Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp của Mỹ và sẽ thực hiện các bước kiên quyết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình", thông cáo cho biết thêm.
Hiện chưa có thông báo nào về vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Reuters, vào hôm 16/5, Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương đã có cuộc gặp bên lề hội nghị các bộ trưởng thương mại APEC diễn ra tại Hàn Quốc.
Các quan chức thương mại Mỹ-Trung thảo luận trong cuộc gặp song phương. Ảnh: Reuters
Giám đốc Nvidia than thở về việc kiểm soát
Trong khi Huawei tăng tốc phát triển các loại chip hiệu suất cao, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu của Mỹ — Nvidia — ngày càng lo ngại về nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, sau khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt hạn chế xuất khẩu dòng chip AI H20 sang nước này.
Phát biểu tại triển lãm thương mại thường niên Computex ở Đài Loan (Trung Quốc) vào 20/5, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết lệnh cấm đã buộc công ty phải xóa sổ hàng tồn kho trị giá "nhiều tỷ USD". Ông nhấn mạnh: "Chi phí đối với chúng tôi là rất cao".
Huang ước tính rằng thị trường Trung Quốc có thể đạt giá trị 50 tỷ USD vào năm tới. "Sẽ là một điều đáng tiếc nếu không thể tận dụng cơ hội đó — cơ hội mang lại doanh thu thuế cho Mỹ, tạo việc làm và duy trì ngành công nghiệp", ông nói. "Tôi tin rằng chính phủ Mỹ nên cho phép công nghệ của Mỹ phục vụ, tham gia và cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc".
Ông Huang cũng nhân dịp này chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc, cho rằng những biện pháp này đã vô tình tiếp thêm “tinh thần, năng lượng và sự hỗ trợ của chính phủ” cho các công ty AI Trung Quốc, giúp họ đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ nội địa.
Ông Huang nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, kiểm soát xuất khẩu là một thất bại”.
Tuy nhiên, ông đã ca ngợi quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc hủy bỏ một số lệnh hạn chế từ thời cựu Tổng thống Joe Biden và cho biết điều này đã mang lại cho Nvidia một chiến thắng đáng kể tại thị trường Trung Đông.
Huang kết luận: "Nếu Mỹ muốn duy trì vị trí dẫn đầu và muốn phần còn lại của thế giới phát triển dựa trên công nghệ của Mỹ, thì chúng ta cần tối đa hóa sự lan tỏa của AI, tối đa hóa tốc độ. Và đó là lập trường của chúng tôi hiện nay".
Tuần trước nữa, Nvidia đã đạt được một thỏa thuận lớn tại Ả Rập Xê Út khi công bố quan hệ đối tác chiến lược với công ty khởi nghiệp Humain để xây dựng “nhà máy AI” tại quốc gia này, với công suất dự kiến lên tới 500 megawatt, trong chuyến thăm vùng Vịnh của Tổng thống Donald Trump.
Để cung cấp năng lượng cho các cơ sở này, Nvidia sẽ bán hàng trăm nghìn bộ xử lý đồ họa tiên tiến nhất của mình trong vòng năm năm tới, bắt đầu với 18.000 chip GB300 Grace Blackwell hàng đầu.
(Theo CNN, Bộ Thương mại Trung Quốc)