Ngày 26/5, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì và Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học "Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Chia sẻ tại sự kiện, Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển bền vững đến giờ là "lách qua ngõ hẹp" và Nghị quyết 68-NQ/TW có vẻ là một con đường lớn. Hy vọng từ ngõ hẹp đi ra đường lớn thì tốc độ phát triển của doanh nghiệp phải nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, cần phải quan tâm là đường lớn chưa chắc đã nhanh và mạnh hơn. Ví dụ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipine… đều là kinh tế tư nhân cả, cũng tự do nhưng kinh tế không mạnh bằng Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi mà thậm chí kinh tế tư nhân còn thấp hơn kinh tế Nhà nước. So sánh như vậy để thấy rằng khi doanh nghiệp đã ra đường lớn rồi nhưng nếu Chính phủ không có chính sách tốt thì doanh nghiệp cũng không cất cánh được.
"Khi ra đường lớn, có thể doanh nghiệp thoải mái hơn lúc trước nhưng việc đạt được 20 tập đoàn toàn cầu không phải mục tiêu đơn giản. Chúng ta phải đặt vấn đề ngoài sự cởi trói cần có định hướng phát triển để doanh nghiệp đi lên", ông Nghĩa cho hay.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia
Lấy ví dụ, ông Nghĩa cho biết, tuần vừa rồi, ông có tham thảo luận các chính sách về thị trường vàng. Khi thảo luận có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều ý kiến viện cớ rằng Việt Nam rất đặc thù "người dân Việt Nam quá yêu chuộng vàng nên cần quản lý vàng để tránh chảy máu đô la gây ảnh hưởng vĩ mô". Trong khi các doanh nghiệp thì nêu mong muốn được nhập khẩu vàng để sản xuất vàng trang sức; và người dân tiết kiệm vàng thì lấy ở đâu, chả lẽ lại cấm người dân tiết kiệm vàng?
Theo ông Nghĩa, 14 năm nay Việt Nam cấm nhập khẩu vàng, vậy thì vàng hiện nay đang buôn bán ở Việt Nam ở đâu ra. Các công ty kinh doanh vàng, bạc đương nhiên phải gom vàng lậu, vàng trong dân để gia công, buôn bán. Bởi họ vẫn phải tồn tại, vẫn phải kinh doanh khi có hàng vạn lao động.
Với thực trạng trên, ông Nghĩa cho rằng, để giải quyết những vấn đề của thị trường vàng "thượng sách" là mở cửa, cho phép một số công ty nhập khẩu theo quy định. Rồi bắt buộc các công ty này bán sỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ vàng.
"Trung sách" là cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp nhập khẩu vàng về và lập một sàn giao dịch, định giá theo quy định. Việc này tương tự như ở Trung Quốc là có một sàn để chỉ đạo toàn bộ lượng vàng trong nước không được chênh lệch quá so với thị trường thế giới.
Với lo ngại về việc nhập khẩu vàng có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Không cần lo lắng". Ông Nghĩa cho biết, nền kinh tế Trung Quốc gấp 40 lần Việt Nam. Nhưng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 2.500 tỷ USD, tức chỉ gấp 25 lần Việt Nam (có 100 tỷ USD).
Theo vị chuyên gia này, nhu cầu nhập khẩu vàng của Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 3 - 4 tỷ USD, trong khi lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như cigar, rượu ngoại hay mỹ phẩm cũng lên tới hàng tỷ USD.
"Vàng là nguồn dự trữ vô cùng quan trọng. Mỗi năm Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 3-4 tỷ USD vàng, nhưng nhiều người đã lo "chảy máu ngoại tệ", trong khi nhập khẩu rượu ngoại, xì gà, thuốc lá ngoại tới 8 tỷ USD/năm lại không ai nói về vấn đề này, đây là điều rất phi lý", ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Với ví dụ trên, ông Nghĩa mong rằng sẽ có thêm những ý tưởng để cải cách lại luật. "Câu chuyện trước mắt không phải doanh nghiệp sau này sẽ thực hiện như thế nào mà Nghị quyết sẽ được pháp luật hoá như thế nào? Luật hoá xong thì kỷ luật thực hiện như thế nào?", ông Nghĩa cho hay.
Tại hội thảo, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp gần 60% GDP, nhưng vẫn bị "lép vế ngay trên sân nhà" do thể chế chưa thuận lợi so với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). "FDI chiếm tới 2/3 tỷ trọng xuất khẩu, nhưng phần lớn là gia công, giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, khối tư nhân nội địa còn dư địa phát triển rất lớn, từ doanh nghiệp lớn đến vừa và nhỏ", bà Nga cho biết.
Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng nhấn mạnh, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tế, cần có quá trình thể chế hóa bài bản, toàn diện. Yếu tố cốt lõi là tạo môi trường pháp lý và chính sách ổn định, giúp doanh nhân yên tâm đầu tư và làm giàu chính đáng.
Toàn cảnh Hội Thảo
Đồng quan điểm, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là khâu thể chế hóa. Nếu thể chế không tốt, chính nó sẽ trở thành rào cản và triệt tiêu động lực phát triển. "Cải cách phải bắt đầu từ những điều rất cụ thể, không thể nói chung chung. Ngay cả một yêu cầu nhỏ như lý lịch tư pháp trong hồ sơ doanh nghiệp cũng có thể là rào cản nếu không được thực hiện minh bạch", TS Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cũng chỉ rõ, thủ tục đầu tư hiện nay là điểm nghẽn lớn khiến dòng vốn chậm chảy vào nền kinh tế, đặc biệt là các dự án sử dụng đất. Ông dẫn chứng khảo sát cho thấy, 74% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy kế hoạch đầu tư do vướng mắc thủ tục hành chính đất đai. Có tới 15 bước, liên quan nhiều cơ quan, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức.
"Sau Nghị quyết 68-NQ/TW, cần hành động quyết liệt từ Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục và thúc đẩy môi trường đầu tư thông minh hơn cho doanh nghiệp tư nhân" - Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh.