Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, xuất khẩu - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam - đang đối mặt với thử thách chưa từng có. 5 tháng đầu năm 2025, trị giá hàng hóa xuất khẩu ghi nhận đà suy giảm rõ rệt. Nhưng liệu đây chỉ là cú trượt ngắn hạn hay là dấu hiệu của một thời kỳ mới, đòi hỏi sự chuyển mình quyết liệt?
Bức tranh xuất khẩu đang dần phai màu
Những năm trước, xuất khẩu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, với đà tăng trưởng đều đặn bất chấp những biến động toàn cầu. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực từ tình hình toàn cầu, sau quý I/2025, cán cân thương mại bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy giảm .
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan công bố ngày 22/5 cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong kỳ 1 tháng 5/2025 (từ ngày 1/5 - 15/5) đạt 36,09 tỷ USD, giảm 6,8%, tương ứng giảm 2,64 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2025. Trong đó, đáng chú ý, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 5/2025 đạt 16,88 tỷ USD, giảm 18,3% so với kỳ kế trước, tương ứng giảm 3,77 tỷ USD. Sự suy giảm tới 2 con số là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn phía trước.
Cũng theo thống kê của Cục Hải quan, trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2025 giảm ở các nhóm hàng chủ lực như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 513 triệu USD (giảm 19,7%); hàng dệt may giảm 401 triệu USD (giảm 22,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 394 triệu USD (giảm 8,9%)...
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, mức sụt giảm trị giá hàng hóa xuất khẩu không chỉ là con số khô khan, nó phản ánh rõ ràng những lực cản từ bên ngoài như hàng rào thuế quan dày đặc hơn, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tinh vi, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia đang nổi...Chúng ta đang đi qua một khúc cua gắt của thương mại toàn cầu, nơi sự linh hoạt, bản lĩnh và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng sống còn.
Không chỉ do khách quan bên ngoài...
Trao đổi nhanh về câu chuyện này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến xuất khẩu Việt Nam gặp khó là sự gia tăng của thuế quan từ các đối tác lớn. Các chính sách thương mại mới từ Mỹ, một số nước châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với mức thuế cao hơn, làm suy giảm sức cạnh tranh về giá.
Cùng với đó, hàng rào kỹ thuật và quy định kiểm soát chất lượng tại nhiều thị trường nhập khẩu cũng được siết chặt. Từ chứng nhận môi trường, kiểm dịch thực vật đến nguồn gốc nguyên liệu, mỗi chi tiết đều có thể trở thành rào cản nếu doanh nghiệp chưa theo kịp chuẩn mực quốc tế.
Cuộc chiến trên thương trường toàn cầu hiện giờ không còn đơn thuần là thuế quan, mà là một trận chiến tổng lực về chuẩn mực phát triển bền vững.
Đặc biệt, có thể thấy, thương mại hiện đại không chỉ dừng lại là chuyện giá cả. Ai không đáp ứng được quy chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc…thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Cuộc chiến trên thương trường toàn cầu hiện giờ không còn đơn thuần là thuế quan, mà là một trận chiến tổng lực về chuẩn mực phát triển bền vững.
Ở khía cạnh khác, theo ông Hiếu, tuy bị tác động từ yếu tố ngoại biên, nhưng một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ nội tại nước ta. Cơ cấu xuất khẩu lâu nay vẫn phụ thuộc lớn vào nhóm hàng gia công, hàm lượng công nghệ thấp. Việc thiếu liên kết chuỗi giá trị, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu khiến khả năng thích ứng với biến động toàn cầu kém hiệu quả. Một số ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử...dù có thế mạnh về sản lượng nhưng lại thiếu thương hiệu quốc tế, khó chen chân vào phân khúc giá trị cao.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn bị động trước thay đổi chính sách ở thị trường nhập khẩu, thiếu chiến lược tiếp cận thị trường mới hoặc chưa khai thác hết lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Đáng lo, nhưng không bi quan"
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hiện tại đáng để quan tâm nhưng chưa tới mức báo động. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như bất kỳ nền kinh tế xuất khẩu nào khác. Đây là thời điểm để ngành xuất khẩu thanh lọc, định vị lại và nâng cấp chiến lược. Nếu biến nguy thành cơ, đây có thể là giai đoạn bứt phá để Việt Nam chuyển từ "sản xuất thuê" sang "sản xuất thông minh".
Theo ông Hiếu, thay vì trông đợi sự nới lỏng từ đối tác, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tăng nội lực thông qua việc đầu tư công nghệ, phát triển chuỗi giá trị nội địa, đẩy mạnh thương hiệu quốc gia và mở rộng thị trường xuất khẩu theo chiều sâu.
Bên cạnh đó, theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hơn bao giờ hết, lúc này nước ta cần khơi dậy những điểm sáng, điểm tích cực để làm động lực vươn lên. Trong bức tranh nhiều gam xám, vẫn có những mảng màu tươi sáng. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn đã linh hoạt chuyển hướng thị trường sang châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ - nơi yêu cầu kỹ thuật thấp hơn nhưng tiềm năng tiêu thụ lớn...Mỗi khủng hoảng đều mang trong mình mầm mống của cải tổ. Nếu tận dụng đúng, Việt Nam hoàn toàn có thể bước vào chu kỳ tăng trưởng xuất khẩu mới, bền vững và chủ động hơn.
Có thể thấy, suy giảm trị giá xuất khẩu là vấn đề không thể coi nhẹ, nhưng cũng không nên quá loa ngại. Điều cần làm là nhìn rõ nguyên nhân, thấu hiểu bản chất và hành động quyết liệt. Đã đến lúc ngành xuất khẩu Việt Nam bước sang một chương mới, một thời kỳ mới - nơi chất lượng, sáng tạo, bền vững là thước đo thành công và đòi hỏi sự chuyển mình quyết liệt./.