AmCham: Các công ty sẽ không quay trở lại Mỹ
Một trong số các mục tiêu của Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông khi áp thuế quan cao với các đối tác thương mại là đưa năng lực sản xuất trở lại Mỹ, ngay cả khi phải trả giá bằng áp lực kinh tế và thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mục tiêu đó được CNBC đánh giá là khó có thể xảy ra tại Campuchia.
Mặc dù mức thuế 49% mà chính quyền Trump áp dụng đối với hàng hóa của Campuchia có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiện sinh đối với các nhà máy và công nhân nước này, việc đưa hoạt động sản xuất quay trở lại Mỹ sẽ không xảy ra, Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia nhận định.
Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia (AmCham Campuchia - hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty Mỹ sản xuất ở Campuchia) cho biết: "Họ [các công ty Mỹ] chắc chắn sẽ không quay trở lại Mỹ".
"Tôi không thể tưởng tượng được chuyện người Mỹ muốn ngồi xuống và may quần nỉ suốt nhiều giờ trong ngày", ông Barnett nói.
Theo ông Barnett, các nhà sản xuất tại Campuchia đang tìm kiếm những quốc gia khác để giảm ảnh hưởng từ thuế quan, nhưng Mỹ không nằm trong số các lựa chọn.
Một số công ty đang tìm cách chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Ai Cập, Châu Phi cận Sahara, Ấn Độ và Indonesia. Số khác thì hành động chậm hơn vì nghĩ rằng có thể quyết định áp thuế sẽ được đảo ngược.
Ông Barnett cho biết, các nhà máy tại Campuchia hiện tại không có vị thế tốt và đang tìm cách để tồn tại trong vài tháng tới.
"Các xưởng may thâm dụng lao động ở Campuchia đơn giản là không thể tiếp tục hoạt động với mức thuế quan bổ sung 49%. Họ không thể tồn tại và đang tìm kiếm các giải pháp thay thế", ông Barnett cho hay, hiện thời không hề có đơn hàng mới và có những đơn hàng đang bị tạm dừng.
Chính phủ Campuchia đang thực hiện một số bước để giảm bớt áp lực, chẳng hạn như các chính sách tài khóa, bao gồm tín dụng thuế.
Hiện nay, có nhiều công ty bán lẻ nhập khẩu từ Campuchia vào Bắc Mỹ, trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như Under Armour, Rawlings Sporting Goods, Lululemon, Black & Decker, Hugo Boss, Hearth & Home, Eddie Bauer, Dollar General, Diageo, Asics, Adidas và Bass Pro Shops.
Danh mục mặt hàng cũng rất nhiều, từ hàng may mặc, giày dép, sản phẩm phục vụ du lịch, xe đạp, nông sản, đồ nội thất, pin năng lượng mặt trời, lốp xe cho tới tủ bếp...
Mong muốn khó thành của chính quyền Mỹ
Andrei Quinn-Barabanov, chuyên gia phân tích của tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cho biết ngay cả khi các công ty sản xuất với giá rẻ nhất có thể, việc di dời chuỗi cung ứng vẫn là một khoản đầu tư lớn.
"Đầu tư vào chuỗi cung ứng thường mang tính dài hạn và khi gặp tình trạng bất ổn lớn như thế này, bạn khó có thể đưa ra những quyết định như vậy. Các công ty sẽ chờ xem phản ứng thuế quan từ các quốc gia khác như thế nào, cũng như các hạn chế phi thuế quan mà họ sẽ áp dụng đối với các công ty Mỹ", Barabanov nói.
Theo CNBC, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục lập luận rằng việc đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến doanh thu lớn hơn cho nước Mỹ.
"Nếu chúng ta dựng lên một bức tường thuế quan, mục tiêu cuối cùng sẽ là đưa việc làm trở lại Mỹ. Nhưng trong thời gian chờ đợi, chúng ta sẽ thu được thuế quan đáng kể", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố trên CNBC.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Reuters
Ông Bessent ví thuế quan với "viên đá tan chảy" (melting ice cube) trong trường hợp kế hoạch đưa hoạt động sản xuất về Mỹ thành công, có nghĩa là thuế quan sẽ không duy trì ở mức cao mãi mãi mà sẽ giảm dần theo thời gian, khi Washington có được doanh thu từ các cơ sở sản xuất được xây dựng tại Mỹ.
"Sẽ có một mức độ tương xứng giữa các loại thuế mà chúng ta thu được với ngành công nghiệp mới từ thuế lương bổng (payroll tax) khi thuế quan (tariff) giảm xuống", ông Bessent nói.
Nhận định với CNBC, Andre C. Winters, người sáng lập - giám đốc của công ty tư vấn và lập kế hoạch chuỗi cung ứng HudsonWinters bày tỏ nghi ngờ về khả năng các công ty sẽ vội vã đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ.
“Cuộc chiến thương mại này không phải là động lực để quay trở lại Mỹ”, Winters nói, “Các công ty sẽ tìm đến các quốc gia khác đang bị áp mức thuế quan thấp hơn. Vì cuối cùng, như vậy vẫn rẻ hơn so với quay trở lại Mỹ”.
Tương tự như cảnh báo từ nhiều công ty, ông Barnett cho rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh ít nhất một phần chi phí.
“Thật không may, điều này sẽ đẩy giá lên cao đối với người tiêu dùng Mỹ”, ông Barnett nói. “Campuchia đã giúp các gia đình Mỹ mua quần áo chuẩn bị cho năm học mới với mức giá phải chăng. Những mức thuế quan này sẽ chỉ khiến các gia đình Mỹ thêm tốn kém, chứ không đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ”.
Theo Tổng thống Trump và các cố vấn thương mại của ông, mục tiêu đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ không phải là lý do duy nhất cho kế hoạch áp thuế. Giảm thâm hụt thương mại và nợ công, tạo điều kiện cắt giảm thuế nội địa cũng rất quan trọng đối với chiến lược của họ.